TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống LLVT tỉnh Quảng Ninh (18/10/1947-18/10/2022)

12/10/2022
Chia sẻ bải viết :



1. Hoàn cảnh ra đời và ngày truyền thống của LLVT tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức vũ trang và bán vũ trang ra đời trên các địa bàn của Bắc Bộ với các đội tự vệ, cho đến các chiến khu, lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh là nòng cốt của phong trào khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong những năm 1939-1945, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp là các chi bộ đảng ở các địa phương, phong trào cách mạng ở Đặc khu Hòn Gai, tỉnh Quảng Yên và tỉnh Hải Ninh phát triển mạnh mẽ. Khu vực Yên Hưng (tỉnh Quảng Yên) đã xây dựng “Đội danh dự võ trang”; ở Hòn Gai, Cẩm Phả các cơ sở Việt Minh được thành lập và phát triển. Đến cuối tháng 5/1945 lực lượng du kích Bắc Mã, Hổ Lao, Đạm Thuỷ (Đông Triều) được tổ chức thành đội du kích tập trung.

Để mở rộng phong trào cách mạng trong nhân dân, xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử cán bộ về xây dựng lực lượng và lập Đệ tứ chiến khu (Chiến khu Trần Hưng Đạo). Thực hiện kế hoạch của Ban lãnh đạo căn cứ, ngày 08/6/1945 lực lượng vũ trang (còn non trẻ) tập trung ở Đông Triều dưới sự lãnh đạo của Ban khởi nghĩa, đã cùng với nhân dân địa phương đồng loạt nổi dậy tiến đánh 4 đồn: Đông Triều, Chí Linh, Tràng Bạch, Mạo Khê. Chỉ trong một buổi sáng, quân du kích đã đánh chiếm 4 đồn địch, thu 100 súng. Với thắng lợi đầu tiên vang dội ấy, chiều ngày 08/6/1945 ta tổ chức cuộc mít tinh lớn tại thôn Hổ Lao, chính thức thành lập Đệ tứ chiến khu (chiến khu Trần Hưng Đạo) và lập Uỷ ban quân sự cách mạng do các đồng chí Nguyễn Bình, Trần Cung, Hải Thanh phụ trách.

Chiến khu Đông Triều ra đời đã thúc đẩy các cơ sở Việt Minh và phong trào cách mạng của quần chúng lan rộng ra nhiều nơi trong tỉnh. Tháng 6/1945 ta xây dựng được một đội du kích gồm 27 người ở Hải Ninh.Từ tháng 10/1945-11/1946 quân, dân Quảng Ninh đã ra sức xây dựng LLVT, bán vũ trang ở khu mỏ, hàng trăm công nhân mỏ đã tình nguyện gia nhập bộ đội. Ngày 30/12/1946  theo quyết định của Đặc khu uỷ Hòn Gai, Đại đội Hồ Chí Minh được thành lập. Đây là tổ chức LLVT tập trung đầu tiên của khu mỏ.

Ngày 19/10/1946 Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng đã họp và nhận định: “nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định phải đánh Pháp”, cũng sau hội nghị quân sự toàn quốc, Bộ Quốc phòng được thành lập, các chiến khu được điều chỉnh, tiến hành lập các khu uỷ và bộ chỉ huy các chiến khu tạo nên sức mạnh đồng bộ của cả nước chuẩn bị bước vào kháng chiến. 

Đêm 19/12/1946, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, việc tổ chức và chỉ đạo xây dựng LLVT địa phương đã có sự chuyển biến mới từ Trung ương đến các thôn, xã. Tháng 2/1947, Bộ Quốc Phòng đã ra Thông tư quy định: Vào dân quân là nghĩa vụ của mọi công dân từ 18 đến 45 tuổi. Ở thôn và xã có 2 lực lượng là dân quân và du kích, đây là lực lượng chiến đấu do địa phương trang bị bà bảo đảm bằng cách dựa vào sự đóng góp của Nhân dân. Tháng 3/1947, Chính phủ quyết định chuyển Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam thành Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Chính phủ cũng quyết định xây dựng các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc uỷ ban kháng chiến các cấp.

Từ ngày 24-27/5/1947, tại Suối Cát, Giang Tiên, Phú Lương, Thái Nguyên. Hội nghị dân quân tự vệ du kích toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Hội nghị đã thông qua một số vấn đề quan trọng: Thống nhất cơ chế tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, nguyên tắc, hình thức tổ chức các cấp dân quân… Sau hội nghị dân quân toàn quốc, từ tháng 5/1947 trở đi hệ thống cơ quan quân sự các cấp lần lượt được thành lập và dân quân tự vệ (DQTV) trở thành một bộ phận trong các lực lượng vũ trang của Nhà nước.

           Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 1/5/1947 Ủy ban kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng quyết định thành lập tỉnh đội dân quân liên tỉnh Quảng Hồng. Tháng 10/1947, Ủy ban kháng chiến tỉnh Hải Ninh quyết định thanh lập tỉnh đội Dân quân Hải Ninh. Sau đó, các huyện đội dân quân, xã đội dân quân trực thuộc Tỉnh đội dân quân liên tỉnh Quảng Hồng và Tỉnh đội dân quân Hải Ninh.  Tỉnh đội dân quân liên tỉnh Quảng Hồng và Tỉnh đội dân quân Hải Ninh được thành lập trên cơ sở tách  từ ủy ban quân sự trực thuộc Ủy ban kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng và Ủy ban kháng chiến tỉnh Hải Ninh. Có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương thực hiện nhiệm vụ quân sự, chiến đấu và tham gia vào các nhiệm vụ kháng chiến của địa phương. Đây chính là cơ sở, là dấu mốc quan trọng để xác định Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh (18/10/1947).

* Tên gọi của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ.

- Từ năm 1947 đến năm 1948: là Tỉnh đội dân quân Liên tỉnh Quảng Hồng và Tỉnh đội Dân quân Hải Ninh (Trực thuộc Ủy ban kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng và Ủy ban kháng chiến tỉnh Hải Ninh).

 - Từ ngày 25/8/1948 đến tháng 10/1956 là: Tỉnh đội Dân quân tỉnh Quảng Yên, Đặc khu đội Hòn Gai và Tỉnh đội Dân quân tỉnh Hải Ninh trực thuộc Liên khu I, sau đó Liên khu 1 hợp nhất với Khu 10 thành Liên khu Việt Bắc.

- Từ tháng 10/1956 đến tháng 3/1963: Tỉnh đội Quảng Hồng và tỉnh đội Hải Ninh thuộc Quân khu Tả Ngạn; từ tháng 4/1963 đến năm 1964, thuộc Quân khu 3.

- Từ tháng 10/1963 đến 1967: Tỉnh đội Quảng Ninh thuộc Quân khu Đông Bắc. (Ngày 30/10/1963 tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở tỉnh Quảng Hồng và tỉnh đội Hải Ninh)

- Từ tháng 3/1967 đến tháng 4/1971: Tỉnh đội Quảng Ninh thuộc Bộ T­­ư ­ lệnh Hải Quân kiêm Quân khu Đông Bắc.

- Từ tháng 4/1971 đến năm 1978: Tỉnh đội Quảng Ninh thuộc Quân khu Tả Ngạn, sau đổi thành Quân khu 3.

- Từ năm 1978 đến 4/1979: Tỉnh đội Quảng Ninh thuộc Quân khu I.

- Từ ngày 19/4/1979 đến ngày 18/10/1987 là Đặc khu Quảng Ninh.

- Từ 18/10/1987 đến nay: Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Quân khu 3.

          * Ngày 18/10/1947 được xác định là ngày truyền thống của LLVT tỉnh QN:

+ Tháng 10/1947 là tháng thành lập Tỉnh đội dân quân Hải Ninh (Một trong hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh).

+ Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị (khóa VI), ngày 14/8/1987 Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết số 154/NQ-ĐUQSTW về việc hợp nhất Đặc khu Quảng Ninh và Quân khu 3 và thành lập Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp đó, ngày 18/10/1987 Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh ra Mệnh lệnh số 854/ML tái thành lập Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh…

2. Quá trình phát triển và thành tích tiêu biểu của LLVT tỉnh Quảng Ninh trong kháng chiến chống Pháp.

* Giai đoạn 1947-1951: Là giai đoạn xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, chiến đấu chống càn, đánh phá hành lang chiếm đóng của địch trên địa bàn Đông Bắc.

- Ngay sau khi thành lập (1947) Tỉnh đội dân quân liên tỉnh Quảng Hồng và Tỉnh đội dân quân Hải Ninh đã tập trung đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và du kích tập trung của tỉnh, huyện, xã. Đến cuối năm 1947 mỗi huyện có từ 1-2 tiểu đội dân quân, du kích; mỗi huyện có từ 1-2 trung đội; mối tỉnh có 2 đại đội dân quân, du kích tập trung thoát ly sản xuất… Bên cạnh đó các địa phương còn tích cực xây dựng dân quân, tự vệ, không thoát ly sản xuất.

- Thực hiện sắc lệnh ngày 01/4/ 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập bộ đội địa phương. Đến cuối năm 1949, trên địa bàn tỉnh Quảng Yên, tỉnh Hải Ninh và Đặc khu Hòn Gai các đơn vị bộ đội địa phương  của tỉnh, huyện được xây dựng, phát triển thành các đại đội, tiểu đoàn mạnh.

- Cùng với đó cơ quan quân sự địa phương các cấp từng bước được xây dựng, củng cố, kiên toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã và từng bước làm tốt chức năng tham mưu cho địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự và trực tiếp chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu.

- Trong giai đoạn này, LLVT tỉnh đã cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến đấu tiến công địch, giam chân địch trong các thị xã những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, chống các cuộc càn quét, bình định, lần chiếm vùng tự do và mở rộng vùng tạm chiếm của địch, bảo vệ vùng tự do, vùng căn cứ kháng chiến của ta, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, toàn dân kháng chiến.

* Giai đoạn 1952-1955: Là giai đoạn đẩy mạnh chiến tranh du kích, chủ động tiến công địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong giai đoạn này LLVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các chiến trường trên toàn quốc tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân, phá một phần quan trọng trong âm mưu thâm độc lập “Xứ Nùng tự trị” của địch.

* Thành tích tiêu biểu.

- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược địa bàn Quảng Yên, Hải Ninh và đặc khu Hòn Gai có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ đi vào Bắc Bộ và trở thành một chiến trường nóng bỏng, đọ sức giữa ta và địch. LLVT, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và đặc khu Hòn Gai đã đánh 3.272 trận, tiêu diệt, làm bị thương và tiếp nhận địch ra hàng 22.885 tên, bắt 3.255 tên, thu 8172 súng các loại.

- Đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:

+ Quân và dân tỉnh Quảng Yên: Được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba; được nhận Cờ “Quyết chiến, quyết thắng” – giải thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Quân và dân tỉnh Hải Ninh được tặng thưởng 1.138 Huân chương các loại.

3. Quá trình phát triển và thành tích tiêu biểu của LLVT tỉnh Quảng Ninh trong kháng chiến chống Mỹ.

* Giai đoạn 1955-1964: Là giai đoạn củng cố lực lượng, tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, xây dựng địa phương vững mạnh.

- Trong giai đoạn này ta tập trung xây dựng lực lượng DQTV, DBĐV để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thời chiến. Bên cạnh việc xây dựng, nâng cao chất lượng tự vệ hiện có, đã chú trọng phát triển thêm lực lượng tự vệ ở các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ và lực lượng dân quân du kích ở nông thôn. Từ năm 1962 lực lượng DQTV của tỉnh có sự phát triển nhanh, rộng khắp. Tỷ lệ dân quân chiếm 10% dân số; tỷ lệ lực lượng tự vệ chiến đấu chiếm 41%, tự vệ xí nghiệp chiếm 24%, nông trường chiếm 12% so với tổng số công nhân viên chức.

- Từ năm 1964, để sẵn sàng đối phó với âm mưu sử dụng không quân đánh phá Miền Bắc của đế quốc Mỹ, các đơn vị chiến đấu phòng không của LLVT tỉnh được thành lập; lực lượng dân quân tự vệ, du kích được trang bị thêm vũ khí và huấn luyện cách bắn máy bay bằng súng bộ binh.

- Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay đánh phá  Miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. LLVT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội Hải Quân, phòng không, không quân chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên giặc lái Mỹ An Vơ Rét, tên giặc lái Mỹ bị bắt sống đầu tiên trên miền Bắc.

* Giai đoạn 1965-1975: Là giai đoạn đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện đắc lực cho chiến trường Miền Nam, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất tổ quốc.

- Trong giai đoạn này, nhiều đơn vị chiến đấu phòng không của tỉnh được gấp rút xây dựng , nhiều tổ, đội bắn máy bay của dân quân, tự vệ và bộ đội địa phương, công dan võ trang được xây dựng và bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các tiểu đoàn, trung đoàn đoàn pháo cao xạ của tỉnh lần lượt được thành lập. Đến năm 1968, lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh đã có 10.447 người, được trang bị 200 súng máy cao xạ 12,7 ly và nhiều súng bộ binh khác.

* Thành tích tiêu biểu:

- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu n­ước, quân và dân Quảng Ninh đánh 2.340 trận, bắn rơi 200 máy bay các loại, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Trong đó, tên giặc lái Mỹ bị LLVT và nhân dân Quảng Ninh bắt sống đầu tiên trên miền Bắc vào ngày 5/8/1964 tại Đảo Hòn Cóc, Vịnh Hạ Long (thuộc thị xã Hồng Gai, tỉnh Quảng Ninh) đó là tên Trung uý phi công Mỹ E.An-vơ-rét (Everette Alvarez), đây cũng là tên tù binh ở lâu năm nhất trong nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.

- Trong thời kỳ củng cố vùng Đông Bắc tá đã khám phá, bắt gọn 11 vụ gián điệp biệt kích; những năm đầu thập kỷ sáu mư­ơi, bắt gọn 5 toán biệt kích, gián điệp Mỹ - Diệm và 2 toán biệt kích Mỹ - đặc vụ Tư­ởng gồm 71 tên.

          - Đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:

         + Huân chương Độc lập hạng nhất,

         + Huân chương Độc lập hạng nhì,

         + Huân chương Quân công hạng ba

         + Tặng cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

         + Nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân.

         + Tháng 12/1979 Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chông đế quốc Mỹ xâm lược.

4. Quá trình phát triển và thành tích tiêu biểu của LLVT tỉnh Quảng Ninh trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

- Năm 1978, thực hiện Nghị quyết 12 –NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Chương trình hành động trong tình hình mới”, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyển chọn, huấn luyện các đơn vị bộ đội địa phương; tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở vùng biên giới.

- Ngày 9/3/1979 Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng Ninh… trong đó đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Tỉnh ủy được cử làm Chính ủy Bộ Tư lệnh mặt trận.

- Ngày 19/4/1979 Chủ tịch nước ban hành Quyết định 77, thành lập Đặc khu Quảng Ninh trên cơ sở tách Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ Quân khu I. Lực lượng của Đặc khu nhanh chóng được kiện toàn, xây dựng gồm 5 sư đoàn và nhiều trung đoàn binh chủng…

          - LLVT tỉnh đã nêu cao tinh thần cảnh giác, chặn đứng được các cánh quân xâm lược trên hướng phòng thủ chủ yếu của Tổ quốc. Tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, phá hủy được một số phương tiện chiến tranh, làm thất bại về chiến dịch, chiến thuật của địch, buộc chúng phải rút về bên kia biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

          - Từ ngày 17/2/1979 đến ngày 9/3/1979: LLVT tỉnh Quảng Ninh đã cùng với nhân dân các dân tộc trên địa bàn tiêu diệt gầm 6.000 tên địch, phá hủy 12 xe quân sự, 7 trận địa pháo và nhiều phương tiện chiến tranh khác, buộc địch  phải tháo chạy về phía bên kia biên giới.

- Giai đoạn từ sau tháng 3/1979 đến 12/1985 LLVT tỉnh Quảng Ninh  đã kịp thời đánh trả 430 vụ khiêu khích, 459 vụ xâm nhập, tiêu diệt 355 tên, bắt 425 tên, đánh trả có hiệu quả nhiều đợt pháo kích của địch…

5. Quá trình phát triển và thành tích tiêu biểu của LLVT tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Từ năm 1986 đến nay).

- Từ giữa năm 1986, mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình biên giới bớt căng thẳng, tuyến biên giới trên bộ dần trở lại bình thường. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương quyết định điều chỉnh một bước thế bố trí chiến lược quân sự trong cả nước.

- Thực hiện chủ trưởng của Bộ Chính trị, ngày 14/8/1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương quyết định hợp nhất Đặc khu Quảng Ninh và Quân khu 3. Tiếp đó, ngày 18/10/1947 để chuẩn bị cho việc hợp nhất, Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh đã ra Mệnh lệnh số 854, thành lập Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đặt dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và sự chỉ huy, chỉ đạo của Quân khu 3.

- Nhiệm vụ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh lúc này là: (1) Làm tham mưu cho BCH Đảng bộ tỉnh xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận CTND vững mạnh, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống; (2)Chỉ huy, chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh kết hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương ngày càng vững mạnh, đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt, các hành động lấn chiếm biên giới, giữ vững vùng biên giới, hải đảo; (3)Thực hiện tốt công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; làm tốt công tác giữ vững ANCT, TTATXH và chính sách hậu phương quân đội; (4)Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh; tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế.

          - Ngay từ những ngày đầu tái thành lập, lực lượng vũ trang tỉnh đã nhanh chóng được kiện toàn về mọi mặt; thường xuyên được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước những biến đổi mau lẹ của tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, lực lượng vũ trang tỉnh luôn là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong mọi tình huống và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.  

          - Tham mưu cho Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với nhiều chủ trương, biện pháp, giải pháp mang tính đột phá, sát với yêu cầu nhiệm vụ của một địa bàn chiến lược. Tham mưu xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần kỹ thuật và các công trình quân sự trong khu vực phòng thủ. Kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng dịch vụ, công nghiệp với việc quản lý tốt hệ thống công trình quốc phòng, đất quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với đối ngoại, góp phần xây dựng một đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.

          - Nhiệm vụ xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân trong trong khu vực phòng thủ được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu. Từ những năm 1990, Quảng Ninh đã là tỉnh đi đầu trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế, quốc phòng, an ninh cho đội ngũ dân chính đảng ở cơ sở và đào tạo nguồn cán bộ là con em đồng bào dân tộc vùng biên giới. Trong những năm gần đây, lại là tỉnh có nhiều đột phá trong công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng mở rộng, đối tượng đặc thù với nhiều sáng tạo như tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho chủ hộ gia đình biên giới; chủ hộ tàu thuyền hoạt động trên biển; công nhân viên chức lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; phóng viên các cơ quan báo đài trên địa bàn tỉnh...

- Lực lượng vũ trang tỉnh đã tiến hành rà phá và hàng vạn quả bom, mìn các loại còn sót lại sau chiến tranh, làm sạch hơn 6000 ha đất phục vụ cho nhiệm vụ phân giới cắm mốc và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các vụ việc nẩy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giữ vững ANCT-TTATXH. Tích cực, chủ động trong công tác tìm kiếm cứu nạn; tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; phòng chống cháy nổ, cháy rừng.

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở. Chăm lo xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đào tạo hơn 1000 sỹ quan dự bị bằng ngân sách địa phương để bổ sung nguồn cán bộ cho các đơn vị. Đi đầu trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, có nhiều mô hình được Bộ, quân khu ghi nhận đánh giá cao: Xây dựng các tiểu đội dân quân chiến đấu trị an tại chỗ ở các thôn, khu, bản theo phương châm “Dân bàn, dân cử, dân chăm lo”; tổ chức lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng lực lượng dân quân thường trực biên giới và các xã phường trọng điểm; lực lượng dân quân biển...

- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác huấn luyện, diễn tập và công tác. Chú trọng tổ chức các đợt hội thao, hội thi ở các cấp, luôn giành tích cao trong các cuộc hội thao, hội thi do Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 tổ chức. Chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy tốt vai trò của đội quân công tác, lực lượng vũ trang tỉnh đã tích cực tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ việc nảy sinh từ cơ sở, góp phần quan trọng xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.

* Thành tích tiêu biểu:

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; từ năm 1986 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, nhất là những năm gần đây, tiêu biểu là:

- 04 Huân chương Quân công (01 hạng Nhất, 01 hạng Nhì và 02 hạng Ba). Trong đó Huân chương Quân công hạng nhất được tặng thưởng ngày 25/01/2022 (tới sẽ tổ chức đón nhận).

- 03 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba)

- 05 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (02 hạng Nhì, 03 hạng Ba);

-  02 Huân chương Lao động (01 hạng Nhất và 01 hạng Ba).

- Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới tháng 12/2022.

6. Xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

          Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; LLVT tỉnh tiếp tục được xây dựng theo tinh thần nghị quyết Đại đội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đó là:  Xây dựng lực lượng bộ đội thường trực cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng miền, trên biển.

          - Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương…. Đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, gắn với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          - Kiện toàn, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về tổ chức, có cơ cấu, số lượng hợp lý, chất lượng cao.

          Với lực lượng bộ đội thường trực, kiện toàn tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị và địa phương theo biểu biên chế mới, ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ A2, v.v.

          Với lực lượng dân quân tự vệ, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn và cơ quan, tổ chức, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ dân quân tự vệ, đảm bảo đủ số lượng, có chất lượng tốt. Điều chỉnh kế hoạch mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu có quy mô, số lượng hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương, cơ sở, nhất là dân quân cơ động ở các địa bàn trọng yếu.

          Với lực lượng dự bị động viên, thực hiện phương châm “tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng huy động khi có tình huống”, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu động viên, đăng ký, quản lý, sắp xếp, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên đúng quy định.

          Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Tích cực cập nhật, đưa các nội dung mới, sát với đặc điểm hoạt động tác chiến khu vực phòng thủ địa phương kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ với phòng thủ dân sự,... để rèn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Tăng cường các biện pháp nắm tình hình, nhận định, đánh giá, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất xử trí. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, điều chỉnh kịp thời hệ thống văn kiện tác chiến, đúng quy định; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu theo từng phương án tác chiến. Quản lý chặt chẽ địa bàn và không gian mạng; phòng chống hiệu quả các hoạt động tình báo của địch, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị, bảo vệ bí mật Nhà nước, Quân đội

Không ngừng phát huy truyền thống, qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, LLVT tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng Mỏ, truyền thống “Đoàn kết, sáng tạo, bất khuất, kiên trung, chiến thắng” của LLVT tỉnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về QP-AN, có đời sống, văn hoá xã hội phát triển; góp phần xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cùng quân và dân cả nước đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

VP.


CÁC TIN KHÁC Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, liên tục công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh hội đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Năm mới, thành công mới, thắng lợi mới, thành tựu mới Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng Nhiều giải pháp phát triển đảng viên mới Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phương làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Than Quảng Ninh Phổ biến, tuyên truyền về các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Tọa đàm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh Tọa đàm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh Tọa đàm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh Chi bộ 3 tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên Một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phương kiểm tra công tác chuẩn bị tổng kết Cuộc thi viết tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển” V/v tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh ( 30/10/1963-30/10/2023)