TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Phát triển Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế biển bền vững

27/02/2023
Chia sẻ bải viết :



 

Với kinh tế biển, đặc biệt là dịch vụ cảng biển, Quảng Ninh có lợi thế vô cùng lớn. Bởi tỉnh là địa phương sở hữu chiều dài đường biển lên đến 250km với luồng đường thủy nội địa gần 800km và hơn 130 bến cảng thủy nội địa. Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại thuộc nhóm I, là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế... Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh có thể phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ cảng biển.

Không chỉ có lợi thế về bờ biển, luồng thuỷ nội địa dài, nhiều cảng bến, Quảng Ninh còn thuận lợi khi trên địa bàn có nhiều ngành nghề công nghiệp khai khoáng, nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hàng năm xuất nhập khẩu lượng lớn hàng hoá, trang thiết bị, máy móc. Như ngành Than mỗi năm lượng hàng hoá, thiết bị, máy móc xuất, nhập khẩu rất lớn. Cùng với đó là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với những tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vin Group, Foxconn, TCL, Huyndai Thành Công, Texhong, Amata..., kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ dẫn đến nhu cầu xuất nhập khẩu các sản phẩm hàng hoá, thiết bị, máy móc cao.

Xác định rõ những lợi thế, tiềm năng về kinh tế cảng biển, những năm qua, Quảng Ninh tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Đặc biệt là tuyến đường cao tốc chạy dọc tỉnh kết nối các cửa khẩu, cảng biển, sân bay, qua đó nâng cao năng lực vận chuyển, xử lý hàng hóa.

Từ hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, kinh tế cảng biển của Quảng Ninh đang dần được các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu đầu tư, kinh doanh lĩnh vực cảng biển, logistics trên địa bàn. Tiêu biểu như 2 hãng tàu Container lớn là Maersk Line và SITC đã mở tuyến về Cảng Cái Lân. Việc 2 hãng tàu lớn trên thế giới đưa các chuyến tàu về các cảng bến của Quảng Ninh khai thác, làm hàng là tín hiệu hết sức tích cực cho phát triển kinh tế cảng biển của tỉnh trong thời gian tới.

Tàu vào làm hàng tại Cảng Cái Lân.

Tàu vào làm hàng tại Cảng Cái Lân.

Để phát huy hơn nữa lợi thế về kinh tế biển, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh xác định xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch, dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển, ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.

Đồng thời, xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước. Tỉnh phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch,... để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển.

Quảng Ninh quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội. Tỉnh ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo; coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả.

Quảng Ninh tiếp tục tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển, đảo, vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển, đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể, cá nhân.

Với những lợi thế, thuận lợi riêng có về kinh tế biển, nhất là kinh tế cảng biển, cùng những hoạch định, định hướng chiến lược, lâu dài, bền vững trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 về kinh tế biển, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường quảng bá, kết nối, qua đó phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh.

(trích theo Cổng thông tin điện tử https://baoquangninh.vn/) VP