TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Quảng Ninh: Bắt nhịp chuyển đổi số

22/08/2022
Chia sẻ bải viết :

Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược. Qua đó góp phần trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân đánh giá sự hài lòng bằng cách quét mã QR.

Chuyển đổi số 3 trụ cột cốt lõi

Triển khai nền tảng số là nội dung mới, phức tạp, chưa có địa phương thực hiện hoàn thành để tham vấn. Quảng Ninh là một trong 7 địa phương triển khai thí điểm Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với 27 mục tiêu và 20 nhiệm vụ trọng tâm tập trung hoàn thành trong năm 2022. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU (ngày 5/2/2022) thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số, tỉnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch đào tạo cán bộ nòng cốt chuyển đổi số của tỉnh. Các sở, ngành tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu, lãnh đạo, cán bộ chuyên trách về CNTT tại các cơ quan nhà nước, đội ngũ làm công tác truyền thông, tập huấn CCVC-LĐ trong hệ thống chính trị toàn tỉnh. Đến nay đã thành lập được 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp) bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn; 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với 11.255 thành viên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng. Qua đó, các địa phương đã chủ động thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân các nội dung về chuyển đổi số, định danh điện tử, các nội dung cơ bản để tổ công nghệ số cộng đồng triển khai.

Nhân viên Viettel hỗ trợ hộ kinh doanh cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với nguồn nhân lực, tỉnh tập trung chuyển đổi số 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đối với chính quyền số, hạ tầng lõi, nền tảng quan trọng của chính quyền điện tử liên tục được đầu tư, nâng cấp, phát triển, đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật mới ban hành, phục vụ công tác CCHC và xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; đáp ứng yêu cầu kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và các cơ sở dữ liệu bộ, ngành trung ương.

Đến nay đã tích hợp thêm 300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số 1.428 dịch vụ công mức độ 3, 4 của Quảng Ninh trên Cổng dịch vụ công quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 200.331/278.238 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, đạt 71,9%; đã có 9 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ ngày 25/5/2022, hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đã chính thức kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác được 3 dịch vụ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an cung cấp. Quảng Ninh cũng đẩy mạnh triển khai, sử dụng các chức năng của chính quyền điện tử, như chữ ký số, tạo lập hồ sơ công việc, triển khai số hóa TTHC…

Là đơn vị đầu mối tiếp nhận, giải quyết tất cả các TTHC trên địa bàn thành phố, Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long đã chú trọng thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC, gắn với chuyển đổi số. Hiện 100% TTHC thực hiện tại Trung tâm được thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, bảo đảm việc giải quyết TTHC được thực hiện công khai, minh bạch trên môi trường mạng. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai phần mềm ISO điện tử theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với lĩnh vực kinh tế số, tỉnh đã hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh. Hiện 177/267 sản phẩm OCOP tỉnh đạt từ 3 sao trở lên đã đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn cho biết: Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được ngành Nông nghiệp tỉnh cho là bước chuyển căn bản, từ đó thay đổi phương thức tiêu thụ, nâng tầm nông sản của tỉnh trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay. Đặc biệt, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

Cùng với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, Quảng Ninh cũng là một trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1; đến nay có 9.327 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% các đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh cũng đã xây dựng khu CNTT tập trung tại Tuần Châu (TP Hạ Long), triển khai tích cực nền tảng cửa khẩu số.

Đối với việc xây dựng xã hội số, đến nay toàn tỉnh có 2.649 trạm BTS, trong đó 85% là công nghệ 4G. Viettel Quảng Ninh đã lắp đặt phát sóng thử nghiệm 2 trạm BTS công nghệ 5G tại Liên cơ quan số 2 và Khu du lịch Tuần Châu. Cùng với đó, nhanh chóng triển khai phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 21/59 trạm BTS phủ lõm sóng 30/70 vị trí; triển khai cáp quang và sẵn sàng cung cấp dịch vụ băng rộng cố định có 16/96 điểm. Tổng thuê bao di động là thiết bị thông minh trên địa bàn tỉnh khoảng 1,4/1,8 triệu. Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 98% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Cáp quang phủ rộng tới 100% các xã, tỷ lệ các hộ có kết nối cáp quang đạt 76,82%; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị thông minh là 74%.

Bắt nhịp xu hướng tất yếu

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm, bởi quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Một số đơn vị chưa bố trí được cán bộ chuyên trách CNTT phục vụ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT. Các nhiệm vụ chuyển đổi số rất lớn, nhất là có nhiều nhiệm vụ khó và phức tạp, trong khi có nhiều cán bộ kiêm nhiệm, nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn; hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hệ thống chính quyền điện tử tại một số cơ quan, đơn vị được đầu tư trong giai đoạn trước đã hết khấu hao. Bên cạnh đó, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh do sử dụng hệ thống riêng theo ngành dọc, nên khó kết nối với hệ thống chính quyền điện tử tỉnh; trình độ ứng dụng CNTT, khai thác các tiện ích trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia, các tiện ích về thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt không đồng đều, có nơi còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Quy trình, thủ tục giải quyết TTHC trên giao diện dịch vụ công trực tuyến Cổng dịch vụ công quốc gia còn phức tạp, nhất là về dịch vụ công của ngành Công an, phải qua nhiều bước, nhiều thao tác, phải đính kèm nhiều loại hồ sơ, tài liệu, gây khó hiểu, khó sử dụng cho người thực hiện TTHC mức độ 3, 4. Thống kê về kinh tế số, kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực, các địa phương rất lúng túng, vì chưa được hướng dẫn chi tiết, do đó việc đánh giá tỷ trọng kinh tế số gặp nhiều khó khăn.

Trong cuộc họp nghe báo cáo chuyển đổi số diễn ra giữa tháng 7/2022, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền thay đổi tư duy, hành động chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị đến người dân, doanh nghiệp; bám sát chỉ đạo, rà soát tiến độ thực hiện đề án đồng bộ tại tất cả các lĩnh vực; xây dựng cách thức tổ chức thực hiện đề án tổng quan, để nhìn nhận được những khó khăn, vướng mắc tồn tại, nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh tăng cường công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện đề án tại các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy nhanh hoàn thiện tài liệu tuyên truyền và nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho tổ công nghệ số cộng đồng. Trong quý III/2022 phải giải quyết dứt điểm, triệt để những vướng mắc, nhằm thực hiện hiệu quả nhất việc chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh theo đúng kế hoạch.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, chuẩn bị đầu tư đối với các nhiệm vụ được giao đảm bảo lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả cao; ưu tiên tối đa phương án thuê dịch vụ hạ tầng CNTT để tránh tình trạng lạc hậu về công nghệ và tiết kiệm chi phí, bố trí nguồn lực đầu tư hợp lý, phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử phục vụ quản lý, điều hành xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường số và cung cấp, xử lý dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống chính quyền điện tử; đảm bảo 100% lãnh đạo, CBCCVC sử dụng chữ ký số và hệ thống chính quyền điện tử trong công việc… Bố trí duy tu, bảo dưỡng duy trì mục tiêu đầu tư của hệ thống, trang thiết bị thuộc Đề án đã được bàn giao quản lý, sử dụng theo quy định để đảm bảo vận hành thông suốt hiệu quả chính quyền điện tử. Xây dựng, tạo lập cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng phục vụ chuyển đổi số toàn diện gồm dữ liệu về đất đai, CBCCVC, y tế, giáo dục, công chứng, hộ tịch điện tử…

Đối với lĩnh vực kinh tế số, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động đưa 100% sản phẩm OCOP lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart.vn va Voso.vn); 80% nông sản được truy xuất nguồn gốc và giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Các đơn vị kinh doanh tiếp tục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, mobile money, thúc đẩy chuyển đổi số thương mại điện tử.

Sản phẩm na dai Đông Triều được đăng tải trên website dongtrieumart.vn

Đối với phát triển xã hội số, tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông về chuyển đổi số hướng tới người dân là trung tâm, thúc đẩy phát triển công dân số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hoàn thành phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng trên địa bàn tỉnh, mở rộng triển khai thử nghiệm mạng 5G; đẩy mạnh hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng và tổ chức đào tạo, tập huấn các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; hoàn thành triển khai thí điểm phố thông minh không dùng tiền mặt tại Khu du lịch Tuần Châu, đánh giá, rút kinh nghiệm để xem xét nhân rộng triển khai. Cùng với đó, tăng cường sử dụng căn cước công dân thay thế cho thẻ BHYT phục vụ khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đây cũng là những định hướng được các địa phương đặc biệt quan tâm. Các địa phương hiện tập trung hướng tới phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt; phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung, liên thông hạ tầng số, nền tảng, đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích, dự báo thông minh để kịp thời đưa ra các quyết định chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, phát triển kinh tế số, cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo kịp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Với lợi thế sẵn có, cùng nền móng được xây dựng vững chắc từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh đang nỗ lực hoạch định một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp, phấn đấu trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.