TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Quảng Ninh “ghi điểm” trong mắt nhà đầu tư

03/11/2022
Chia sẻ bải viết :

Với lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, còn nhiều dư địa phát triển và môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Quảng Ninh luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế cũng có những đánh giá, góp ý để cùng Quảng Ninh tăng trưởng và phát triển bền vững hơn.

Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Ninh ngày càng được đổi mới để nâng cao hiệu quả. Trong ảnh: Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 

- Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (chủ đầu tư Khu công nghiệp Sông Khoai)

Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, tạo giá trị gia tăng lớn, nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…

Có thể thấy, Quảng Ninh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghệ cao, sạch. Nếu tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng và có nguồn nhân lực chất lượng cao, thì sẽ tạo lợi thế lớn. Mặt khác, để nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đồng hành thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo định hướng của tỉnh, thì địa phương cần ban hành danh mục ngành nghề, dự án ưu tiên/hạn chế thu hút đầu tư cụ thể hơn.

Cùng với đó, cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án để nhà đầu tư hạ tầng có định hướng rõ từ đầu khi tiếp cận đối tác, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Tỉnh cũng cần có những chính sách ưu đãi cụ thể, đi cùng với những điều kiện để được hưởng ưu đãi. Những điều này sẽ giúp công tác xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp hạ tầng có được hiệu quả cao nhất.

- PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Quảng Ninh đang lập Đề án Phát triển KKT, KCN của tỉnh. Đây là động thái cho thấy, Quảng Ninh đang có sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận phát triển KKT, KCN.

Có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, nhưng những điểm bất lợi của tỉnh lại tương đối cơ bản so với một số địa phương khác. Ví dụ, về thu hút lao động, Quảng Ninh đất rộng, nhưng nguồn lao động không nhiều, dân cư ở phân tán, lại hơi xa về khoảng cách để thu hút nguồn lao động từ vùng lõi của Bắc bộ. Nếu vẫn thu hút đầu tư theo cách truyền thống là dựa vào lao động giá rẻ, thì sẽ thất bại.

Quảng Ninh phải chọn được tọa độ trung tâm cho phát triển KKT, KCN. Theo tôi, KKT Quảng Yên sẽ là vùng then chốt, vì sát với các trung tâm lao động của Bắc bộ để cung ứng lao động; lại sát với Hải Phòng, tăng sự liên kết với địa phương này để tận dụng cảng quốc tế Lạch Huyện, vừa được hưởng ưu đãi về thể chế. Quảng Yên đi cùng với Hải Phòng sẽ tạo được sự cộng hưởng về công nghiệp, tạo thành chuỗi sản xuất trình độ cao, cùng với vùng công nghiệp ven Hạ Long đang dịch chuyển theo hướng công nghệ cao.

Quảng Ninh đã được xác định là một trong 3 cực tăng trưởng của phía Bắc. Như vậy, cần phải có thể chế tương xứng cho một cực tăng trưởng. Đó không phải là những ưu đãi thêm về nguồn vốn ngân sách, mà phải là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, cho phép Quảng Ninh thực thi những hình mẫu có tính vượt trội để có thể tạo ra những động lực phát triển mới.

Mặt khác, nhìn rộng hơn, xa hơn, thì các KCN của Quảng Ninh cần phải gắn với khu đô thị hiện đại. Quảng Ninh đang có đà tăng trưởng rất tốt, điều kiện sống tốt, cùng với sự cải cách theo hướng này, sẽ hấp dẫn dòng vốn FDI hơn rất nhiều.

- Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C

DEEP C là nhà đầu tư KCN Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong tại KKT ven biển Quảng Yên. Với định hướng phát triển KCN Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong thành KCN cảng biển, DEEP C đang xúc tiến thu hút các nhà đầu tư hạ tầng cảng và dịch vụ cảng. Các nhà đầu tư thứ cấp đang đàm phán để đi đến thống nhất hợp tác với chúng tôi.

Cũng giống như một số nhà đầu tư hạ tầng KCN tại Quảng Ninh, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề lao động chất lượng cao. Theo tôi, Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung không nên coi nguồn lao động giá rẻ là lợi thế thu hút đầu tư.

Mỗi tỉnh, thành phố cần có những ưu tiên cho đào tạo, tập trung vào những ngành nghề như điện tử, sản xuất máy móc thiết bị… Điều này đòi hỏi phải có thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng, nếu làm được, sẽ cải thiện đáng kể chất lượng nguồn lao động, giúp tăng lợi thế cho Quảng Ninh thu hút được các nhà đầu tư lớn.

- Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Tư vấn bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội

Quảng Ninh là khu vực lý tưởng cho các lĩnh vực công nghiệp. Hệ thống giao thông cho phép di chuyển thuận lợi tới các cảng biển, sân bay quốc tế và cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Vì vậy, đây là khu vực mang tính chiến lược cao và có nhiều tiềm năng phát triển. Hạn chế lớn nhất của địa phương là vấn đề tay nghề của lực lượng lao động. Việc chiêu mộ người tài từ khu vực vẫn còn hạn chế.

Quảng Ninh đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chi phí thuê đất công nghiệp tại Quảng Ninh cạnh tranh hơn so với các KCN phía Nam. Nhìn chung, thị trường miền Bắc vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như điện tử, ô tô. Phần lớn khoản đầu tư đó đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

- Ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận Dịch vụ KCN, Colliers Việt Nam

Quảng Ninh có những lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút FDI. Đó là vị trí địa lý chiến lược, có đường biên giới cả trên biển và trên đất liền với thị trường đông dân nhất thế giới; hạ tầng hiện đại và đồng bộ; dư địa phát triển bất động sản công nghiệp lớn với 3 khu kinh tế cùng nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư...

Tuy vậy, theo tôi, Quảng Ninh vẫn còn một số điểm cần cải thiện để tạo đà cho bất động sản công nghiệp “cất cánh”, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng, giá trị cao.

Đầu tiên là vấn đề nguồn lực lao động, nhất là lao động chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu... Bên cạnh đó, cần đặc biệt cân nhắc các chính sách, điều kiện đầu tư có tính tới các vấn đề về xử lý chất thải, khí thải, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và thắng cảnh, đảm bảo phát triển bền vững.

Riêng về nhân lực, cần có sự chung tay của 3 “nhà” để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động. Nhà trường cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và ngoại ngữ cho học viên. Nhà doanh nghiệp cần chung tay bằng các chính sách đãi ngộ, đào tạo và phát triển kỹ năng nhằm thu hút lao động cho các KCN, KKT. Nhà nước chú trọng an sinh như xây dựng nhà ở, bệnh viện, nhà trẻ… để thu hút và giữ chân công nhân sinh sống, làm việc. Tôi tin rằng, đây là giải pháp bền vững giúp Quảng Ninh “ghi điểm” hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư.

- Bà Winnie Lam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam

Các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm địa điểm đầu tư mới tại Việt Nam và Quảng Ninh chắc chắn nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư này.

Quảng Ninh có hệ thống cảng biển phát triển, tiếp giáp với trung tâm cảng biển lớn nhất phía Bắc (tại Hải Phòng), là địa điểm lý tưởng cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm sang Trung Quốc và các nước trên thế giới dễ dàng, thuận tiện.

Năm 2021, Quảng Ninh đứng thứ 2 cả nước về GRDP bình quân đầu người và đạt mức tăng trưởng khoảng 13% trong 6 năm liên tục. Dự báo, năm 2022, tỉnh cũng đạt được mức tăng trưởng cao như vậy. Quảng Ninh đang tập trung phát triển các KCN với hệ thống KCN hiện hữu và 8 KCN đang được triển khai...

Đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm liên tiếp (2017 - 2021), Quảng Ninh cũng là mối quan tâm số 1 của các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông khi họ muốn đầu tư vào Việt Nam.

(nguồn https://baodautu.vn/) VP