TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán Quý Mão 2023

29/12/2022
Chia sẻ bải viết :



Thực hiện Thông báo số 797.1-TB/TU Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của của Ban Bí thư và Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 28/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão, Công văn số 1186-CV/TU ngày 23/12/2022 của Tỉnh uỷ về việc việc tăng cường các biện pháp và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống rét đậm, rét hại và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội từ nay đến hết Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Văn bản số 6250/UBND-VX2 ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Công điện số 1170/CĐ - TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động”, Văn bản số 6226/UBND-VX5 ngày 16/12/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Văn bản số 6252/UBND-VX1 ngày 20/12/2022 về việc triển khai thực hiện thông báo số 79 -TB/TU ngày 15/12/2022 của Tỉnh Ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí Thư và Chỉ thị số 31 - CT/TU ngày 28/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão; đề nghị của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 4173/LĐTBXH-CSLĐ ngày 27/12/2022 về việc tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Văn bản số 6275/SGTVT-QLKCHT&ATGT ngày 26/12/2022 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023.

 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đề nghị các Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện nội dung sau:

 

1. Công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ,  an toàn giao thông

- Chủ động phối hợp các cơ quan chức năng: thực hiện có hiệu qủa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự; tập trung triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm, hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản, phòng, chống cháy nổ, tại doanh nghiệp...

- Tăng cường tuyên truyền, quán triệt để nâng cao ý thức tự giác của người lao động trong: Tố giác các loại tội phạm như “tín dụng đen”, cướp giật, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và vi phạm pháp luật về cờ bạc, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Chủ động phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời nhắc nhở người lao động không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ trái phép, chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, nhà dân, khu công nghiệp...

- Phối hợp các cơ quan chức năng: thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động lợi dụng các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự... để kích động người dân tụ tập đông người, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự.

- Tăng cường thực hiện đảm bảo công tác ANTT, các điều kiện an toàn lao động, PCCC trong hoạt động sản xuất kinh doanh trước, trong và sau Tết Nguyên đán; nhanh chóng khắc phục những tồn tại, thiếu sót và chấn chỉnh ngay những nguy cơ không đảm bảo an toàn lao động tại các vị trí có nguy cơ cao về tai nạn lao động; khắc phục những tồn tại về điều kiện an toàn PCCC; trang bị bổ sung các phương tiện chữa cháy còn thiếu hoặc đã hư hỏng, kiểm tra các phương tiện thiết bị chữa cháy như máy bơm nước, các trụ nước… đảm bảo đủ sức dập tắt kịp thời và hiệu quả khi có những vụ cháy xảy ra.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động nghiêm túc, tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ và hướng dẫn của lực lượng chức năng; thực hiện văn hóa giao thông, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông; chủ động tham gia giao thông an toàn và thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão; không chở quá số người theo quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; phòng tránh tai nạn đường ngang đường sắt và đường thủy nội địa... góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

2. Công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của người lao động

- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng chống dịch để góp phần giữ vững hiệu quả công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

- Chủ động theo dõi, quản lý tình hình dịch bệnh tại doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin các địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở hoạt động để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia tiêm đủ mũi vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế do chính quyền địa phương tổ chức; phối hợp chính quyền địa phương xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài tại đơn vị.

- Giám đốc, người sử dụng lao động phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thường xuyên quan tâm chế độ bếp ăn tập thể tại đơn vị; thực hiện tốt các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tạo, nâng cấp, trang sắm mới các dụng cụ, thiết bị chế biến thực phẩm; thường xuyên tăng cường vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh khu vực chế biến, nhà ăn tập thể; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm; tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người.

3. Chăm lo đời sống, đảm bảo lao động việc làm cho người lao động

Tập trung chăm lo đời sống của người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:

- Thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, việc cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; tình hình lao động, việc làm, thực hiện chi trả chế độ tiền lương, thưởng đối với người lao động; tình hình đời sống của người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để các cơ quan chức năng có căn cứ triển khai các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động;

- Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống, việc đi lại của người lao động trong dịp Tết, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người lao động làm việc tại các lĩnh vực, khu vực có khó khăn về sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập… để phối hợp triển khai các phương án hỗ trợ phù hợp, kịp thời, hiệu quả hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định;

- Triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo ổn định quan hệ lao động; tăng cường công tác đối thoại, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh; triển khai các biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và nghỉ việc;

- Tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định của pháp luật, các thoả thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp;  chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết; tích cực, chủ động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, có giải pháp cơ cấu lại lao động phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh đồng thời vẫn nỗ lực duy trì và bảo đảm tình hình việc làm, tiền lương, thu nhập và tập trung chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.

 

Thông tin đầu mối liên hệ: Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, điện thoại: 0203.382.0212; 0203.3836.643; hoặc ông Vũ Quang Thành - Trưởng Văn Phòng Đại diện các KCN, KKT khu vực Miền Đông (Điện thoại: 0846.258.668); Ông Nguyễn Quốc Đảo - Phó Trưởng Văn phòng Đại diện tại Miền Tây (Điện thoại: 0118.195.589); Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp (Điện thoại: 0912.329898).

 

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đề nghị giám đốc, người sử dụng lao động các doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

QLDN