TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

26/12/2022
Chia sẻ bải viết :

Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 


Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, phát biểu tại hội nghị.

Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” ngày 6/1/2021 (Đề án 06) được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số hiện đại.

Qua một năm triển khai, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Cụ thể, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh. Cùng với đó, hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi số được quan tâm xây dựng.

Đến nay, đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận (cấp hộ chiếu, đăng ký phương tiện, các thủ tục về cư trú...). Bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế; hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia…


Quang cảnh hội nghị.

Tại Quảng Ninh, với quan điểm chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhận thức số, do vậy, việc nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.

Trên cơ sở đó, bám sát các chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch, quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số, từ đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, Quảng Ninh đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 78% và số liệu này được giám sát trên Cổng theo thời gian thực; 100% thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 4 của Quảng Ninh đang đạt 73,67% (trung bình cả nước là 35%). Đặc biệt lĩnh vực thông báo lưu trú có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công đạt 99,3%, lĩnh vực con dấu đạt 95,1%.

Quảng Ninh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện thoại thông minh cài đặt và sử dụng: VssID, VNEID, các phần mềm ngân hàng số, Mobile Money; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử. Đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; 100% trường học trên địa bàn tỉnh (từ cấp học phổ thông đến đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề của tỉnh) có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích, đánh giá và thảo luận về các giải pháp chủ yếu cho công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chuyển đổi số. Trong đó các ý kiến đều cho rằng: Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Các đại biểu cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chỉ đạo các đơn vị liên quan chia sẻ dữ liệu quốc gia như một cơ sở tham chiếu, là cơ sở phục vụ công tác quản lý, điều hành, phát triển KT-XH.


Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, khó nhất vẫn là nhận thức, chuyển đổi thói quen trong nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, trong một năm qua các bộ, ngành, địa phương đã triển khai chuyển đổi số bước đầu ghi nhận được những kết quả tích cực; công tác hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; chất lượng hạ tầng cơ sở từng bước được nâng cao; cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, chia sẻ… Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo, sự đồng lòng của nhân dân.

Đồng chí nhấn mạnh: Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, nhạy cảm; chuyển đổi số cần phải chuyển từ tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công, truyền thống sang môi trường số… Vì thế, cần phải tiếp thu thành tựu quốc tế, sáng tạo, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để thực hiện có hiệu quả. Cần lưu ý, thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, việc nào dễ làm trước, khó làm sau, đảm bảo đúng - đủ - sạch - sống. Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là động lực dẫn dắt xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Để triển khai chuyển đổi số hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong phát triển KT-XH; phát huy vai trò người đứng đầu; có cơ chế kiểm tra, giám sát quyết liệt, cụ thể. Cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; liên kết chặt chẽ các nguồn lực để thực hiện; đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số quốc gia; nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến… góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, chủ động, hội nhập hiệu quả...

(quangninh.gov.vn)