TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký kiểm tra tại KCN Đông Mai và dự lễ đón lô sản phẩm đầu tiên của Tập đoàn Foxconn

19/11/2020
Chia sẻ bải viết :

Ngày 17/11, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đi kiểm tra tại KCN Đông Mai; dự lễ đón lô sản phẩm đầu tiên của Tập đoàn Foxconn và lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 doanh nghiệp FDI.

KCN Đông Mai hiện có diện tích 167,86ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 124,17ha. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 72%, gồm 18 dự án với vốn đầu tư đăng ký trên 350 triệu USD. KCN Đông Mai đang là KCN đồng bộ nhất về hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy cao nhất của tỉnh; thu hút được nhiều dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao; tham gia chế tạo, sản xuất các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Điển hình là một số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, có sản phẩm xuất khẩu tạo năng lực mới cho tăng trưởng của tỉnh như: Dự án S - Việt Nam của Tập đoàn Foxconn; Nhà máy Sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô  Yazaki; Nhà máy Sản xuất loa và tai nghe Tonly Technology Limited; Nhà máy Sản xuất sản phẩm cơ học của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác ESON Việt Nam…

Năm 2020, dù đại dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng gây đứt gẫy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu,  nhưng sự hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh càng được thể hiện rõ. Cùng với việc giữ địa bàn an toàn, ổn định, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt trọng trách quốc gia được Chính phủ giao phó là đón đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao của các doanh nghiệp nước ngoài qua Sân bay quốc tế Vân Đồn để trở lại làm việc trong các nhà máy, công xưởng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế.

Nhờ vậy, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tại KCN Đông Mai vẫn giữ được sức sản xuất. Đặc biệt, giá trị gia tăng các sản phẩm tại KCN này rất lớn. Dự kiến giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp tại KCN Đông Mai đạt 301 triệu USD. Kế hoạch năm 2021, con số này sẽ nâng lên 940 triệu USD. Nâng số lao động làm việc từ 6.300 người hiện nay lên tới 10.000 người.

Bí thư Tỉnh ủy thăm dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Foxconn.

Tại buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, đã dự lễ đón lô sản phẩm thiết bị đầu tiên do Tập đoàn Foxconn sản xuất sau đúng 1 năm thực hiện đầu tư. Quảng Ninh là địa phương thứ 2 tại Việt Nam (sau Bắc Ninh) được Foxconn lựa chọn để đầu tư, trên diện tích 100.000m2.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao. Sản phẩm sẽ được xuất khẩu chủ yếu ở Slovakia, Mexico, Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới, giá trị xuất khẩu khoảng 250.000 USD. Trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo.

Foxconn là tập đoàn toàn cầu có hơn 800 công ty, chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Canada, Mexico, Mỹ, Brazil… Doanh thu năm 2019 đạt hơn 220 tỷ USD, xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu theo Tạp chí Fortune (Mỹ). Từ lâu Foxconn được biết tới là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple. Giá trị xuất khẩu các nhà máy của Foxconn tại Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 3 tỷ USD, dự kiến tăng lên 6 tỷ USD trong năm 2020. Foxconn cung cấp sản phẩm cho nhiều công ty hàng đầu thế giới như: Motorola, Nokia và HP. Foxconn còn lắp ráp nhiều sản phẩm nổi tiếng như iPhone hay iPad.

Được biết, hiện Foxconn đang tiếp tục có những dự án mở rộng nâng công suất và thu hút các nhà đầu tư tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại KCN Đông Mai và trở thành tập đoàn hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại tỉnh Quảng Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Tập đoàn Foxconn đón lô sản phẩm thiết bị đầu tiên.

Phát biểu chúc mừng Tập đoàn Foxconn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Sự kiện Tập đoàn Foxconn sản xuất lô sản phẩm đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đây là sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tiên của Tập đoàn Foxconn được sản xuất tại Quảng Ninh. Đồng thời, cũng là bước đi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh chính thức tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, với những thương hiệu tập đoàn hàng đầu thế giới như Foxconn.

Việc Tập đoàn Foxconn sản xuất được lô sản phẩm đầu tiên chỉ sau 1 năm triển khai dự án cũng thể hiện rõ sự cam kết đồng hành của một địa phương 3 năm liền đứng đầu chỉ số PCI, Par index trong việc không ngừng nỗ lực mang tới một môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, hấp dẫn nhất cho doanh nghiệp; đồng thời, cũng thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ cam kết với tỉnh. Đồng chí đề nghị, nhà đầu tư sẽ sớm hoàn thành toàn bộ dự án, đưa dự án vào hoạt động và phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần vào thúc đẩy phát triển KT-XH.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký phát biểu chúc mừng Tập đoàn Foxconn đón lô sản phẩm thiết bị đầu tiên.

Cũng trong ngày, đồng chí Nguyễn Xuân Ký đã chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 doanh nghiệp FDI tại KCN Đông Mai. Cả 9 dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đạt gần 160 triệu USD, tạo việc làm ổn định cho gần 4.000 lao động địa phương. Điều này phù hợp với chủ trương cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò động lực cho phát triển KT - XH. Đồng thời, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động kỹ năng tay nghề cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh, việc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án trong điều kiện Quảng Ninh đã và đang gặt hái nhiều thành công từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện “nhiệm vụ kép “ vừa phòng chống dịch Covid – 19, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH trong năm 2020. Dự kiến năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt mức 2 con số, thu ngân sách 49.300 tỷ, vượt chỉ tiêu trung ương giao, nằm trong top đầu về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 doanh nghiệp FDI tại KCN Đông Mai.

Nếu trước đây, Quảng Ninh được biết tới là một tỉnh công nghiệp nặng như than, nhiệt điện, xi măng, sau hành trình thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, không chỉ thành công trong dịch vụ, du lịch, bây giờ Quảng Ninh là địa bàn đang thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới với các thương hiệu mạnh ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng chí yêu cầu, các nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh giấy phép hôm nay sẽ thực sự trách nhiệm trong việc triển khai dự án theo đúng cam kết với tỉnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân ngày càng tốt hơn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Xác định công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò chủ đạo, động lực của khu vực công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước, là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định, thúc đẩy chuyển dịch thu hút lao động, tăng quy mô, chất lượng dân số của tỉnh, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV thành công tốt đẹp, BCH Đảng bộ tỉnh khóa mới đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bước đi mạnh mẽ nhằm cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển KT-XH. 5 năm tới phải tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút tổng vốn đầu tư, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động kỹ năng tay nghề cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các giải pháp mà Quảng Ninh sẽ tập trung trong thời gian tới và yêu cầu các cấp, ngành, địa phuong phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đó là phát triển nhanh và bền vững các KKT, KCN tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư, thi công xây dựng hạ tầng các KCN của các chủ đầu tư; có chế tài phù hợp với các quy định của pháp luật ràng buộc trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư triển khai đầu tư đúng tiến độ cam kết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ, giữ đất trong các KCN; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ đầu tư trong công tác xúc tiến đầu tư nhằm phát huy hiệu quả của các KCN, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, tránh bỏ lỡ cơ hội, lãng phí đất đai, tài nguyên, nguồn lực.

Đồng thời, cân đối ngân sách hợp lý theo phân cấp đầu tư ưu tiên nguồn lực đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào theo quy hoạch, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng cường khả năng kết nối vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế của các KCN; nghiên cứu, đề xuất bổ sung các KCN mới để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông trọng điểm thuộc tuyến phía Tây và phía Đông của tỉnh tại các địa bàn Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long (khu vực Hoành Bồ cũ), Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều để thu hút các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số; đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư; xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy thăm Nhà máy Sản xuất loa và tai nghe Tonly Technology Limited tại KCN Đông Mai.

Cùng với đó, rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Ban hành danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để thu hút đầu tư. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, phát triển xanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; cải cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, quản lý; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Công khai, minh bạch hệ thống thông tin KT-XH, pháp luật, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.

Đồng chí cũng nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh, những nhà đầu tư hạ tầng KCN mà thực sự hoạt động bài bản, đầu tư tập trung quyết liệt về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thu hút được các nhà đầu tư là thương hiệu mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo, gia tăng cao, tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng tạo điều kiện để mở rộng, nâng quy mô. Riêng đối với KKT ven biển Quảng Yên, phải tập trung hướng tới đất phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển công nghiệp dịch vụ, hạn chế việc hình thành đơn vị đất ở. Đối với KCN Đông Mai, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo mô hình KCN 3 trong 1 là KCN – khu đô thị - khu dịch vụ, vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt điều chỉnh diện tích 9,1ha để xây dựng nhà ở cho chuyên gia, người lao động. Chủ đầu tư KCN là Tổng Công ty Viglacera nhanh chóng triển khai dự án khu nhà ở cho công nhân, chuyên gia nước ngoài tại KCN và phải hoàn thành trong năm 2021.

Theo Báo Quảng Ninh