TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Động lực tăng trưởng từ KCN, KKT

18/01/2021
Chia sẻ bải viết :

Năm 2021, dự báo hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) của tỉnh sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thế nhưng Quảng Ninh vẫn đặt quyết tâm lấy địa bàn KCN, KKT là động lực phát triển kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trên 2 con số.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nghe nhà đầu tư báo cáo công tác lập, triển khai các dự án đầu tư tại KKT cửa khẩu Móng Cái, ngày 15/12/2020.

Nỗ lực vượt khó

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh. Tuy nhiên, với nền tảng kinh nghiệm có sẵn qua từng năm, Ban Quản lý KKT tỉnh đã cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh đổi mới hình thức thu hút, xúc tiến đầu tư vào địa bàn KCN, KKT.

Đón bắt dòng vốn FDI dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vào thị trường Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua hình thức thu hút đầu tư mới, phù hợp với tình hình, như trao đổi, cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư qua điện thoại, email, mạng xã hội, hội nghị trực tuyến. Cùng với đó, đổi mới công tác thẩm định hồ sơ các dự án vào địa bàn KCN, KKT để thu hút các dự án chất lượng, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà). Ảnh: Mạnh Trường.

Từ đó, năm 2020 đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn vào địa bàn KCN, KKT, với tổng nguồn vốn đạt gần 29.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 600 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2019. Đây là một con số thu hút đầu tư ấn tượng vào địa bàn KCN, KKT tỉnh trong bối cảnh cả thế giới đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư chiến lược, có số vốn đăng ký đầu tư lớn lần đầu tiên tham gia đầu tư vào Quảng Ninh, được kể đến, như: Các đối tác đến từ Nhật Bản của Tập đoàn Amata Thái Lan, Tập đoàn TCL, Foxconn, Samsung, Thành Công... Điều này cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Ninh đang thực sự an toàn, hấp dẫn, hiệu quả. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công, khẳng định: Quảng Ninh có môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, minh bạch và cởi mở với các đối tác. Do vậy, Tập đoàn đã lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến để đầu tư Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng. Những sản phẩm từ Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng với hàm lượng công nghệ - kỹ thuật cao sẽ là điểm khởi đầu để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam (KCN Cái Lân).

Riêng đối với các dự án thu hút mới, năm 2020 đã có trên 20 dự án được triển khai đầu tư, với số vốn lên đến gần 20.000 tỷ đồng. Điển hình như một số dự án: Nhà máy sản xuất ô tô Thành Công Việt Hưng (4.542 tỷ đồng); Trung tâm Dịch vụ và hạ tầng ô tô Thành Công (gần 800 tỷ đồng); Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (trên 3.400 tỷ đồng); Dự án IDEAL Đông Mai (230 tỷ đồng)…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, làm giãn cách xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư đưa các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ nước ngoài quay trở lại các phân xưởng, nhà máy trong KCN, KKT để làm việc, tạo nên một hiệu suất lao động cao, góp phần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Hạ tầng giao thông qua các KCN được tỉnh quan tâm đầu tư. Trong ảnh: Tuyến đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Theo thống kê của các ngành, tổng giá trị XNK của các doanh nghiệp trong KCN, KKT tỉnh năm 2020 đạt trên 2,1 tỷ USD, doanh thu đạt trên 34.000 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 700 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho khoảng 26.600 lao động.

Tận dụng cơ hội

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định và đặt quyết tâm, không vì đại dịch Covid-19 mà làm nhụt ý chí vươn lên của các thành phần kinh tế, thay vào đó là cần phải tận dụng sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương. Trong các KCN, KKT của tỉnh hiện có 183 dự án của các nhà đầu tư còn hiệu lực, với đầy đủ các ngành, lĩnh vực sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đây là thế mạnh để Quảng Ninh tận dụng cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai.

 

Trên cơ sở mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 301/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh đã xem xét, tính toán năng lực hiện có và năng lực mới tăng thêm để tối đa hóa các chỉ tiêu phát triển trong KCN, KKT. Trong đó, Ban đặt quyết tâm trong năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các KCN, KKT (trừ KKT Vân Đồn) đạt từ 20.000-25.000 tỷ đồng (nguồn vốn FDI đạt từ 9.200-115.000 tỷ đồng), đạt gần 140% kế hoạch. Cụ thể, sẽ thu hút mới từ 18-20 lượt dự án (10-12 lượt dự án FDI) và điều chỉnh tăng vốn cho 8-10 lượt dự án (5-6 lượt dự án FDI).

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Căn cứ cam kết tiến độ thực hiện dự án trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án trong KCN, KKT, năm 2021 sẽ có 6 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và năm 2022 sẽ có 8 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, lắp đặt máy móc thiết bị 8 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022 để sớm có thể đi vào hoạt động một phần trong năm 2021. Nếu các dự án này có thể cùng lúc đi vào hoạt động trong năm 2021 sẽ góp phần tích cực, hiệu quả trong việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Hoạt động san nền, đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại KCN Sông Khoai.

 

Từ kết quả đánh giá, phân tích sâu, dự kiến trong năm 2021, tổng kim ngạch XNK trong các KCN, KKT của tỉnh ước đạt trên 2,3 tỷ USD (tăng trên 3 triệu USD so với năm 2020), trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1,3 tỷ USD. Doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt trên 36.000 tỷ đồng, tăng trên 2.000 tỷ đồng so với năm 2020 và tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động, tăng khoảng 4.500-5.000 lao động so với năm 2020.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo Ban Quản lý KKT tỉnh cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, qua đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời; đồng thời xem xét, giải quyết các thủ tục đầu tư, sớm cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án đầu tư mới, nhất là các dự án tại KCN Đông Mai, như: Dự án Hai Yun Việt Nam của Công ty Hai Yun Enterprise Company Limited; Nhà máy sản xuất và gia công khuôn mẫu, ép nhựa, linh kiện điện tử của Công ty Jinsung Hitec Co., Ltd Hàn Quốc; Nhà máy sản xuất tấm ván sàn PVC giai đoạn 1 của Công ty Singapore Lioncore Industries PTE. Ltd…

Với niềm tin và kỳ vọng từ sức mạnh truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, các KCN, KKT của tỉnh trong năm 2021 sẽ tiếp tục giữ nhịp phát triển, bứt phá, đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) toàn tỉnh trên 10% như nghị quyết của tỉnh đã đề ra.

Mạnh Trường