TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Số hóa hồ sơ thủ tục hành chính

18/04/2022
Chia sẻ bải viết :

Thời gian qua, với nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trong đó việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) ngày càng được các địa phương, đơn vị hiện đại hóa, công khai, minh bạch; qua đó, đã góp phần phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Trong tiến trình chuyển đổi số, Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa, chuẩn hóa lại hồ sơ TTHC.

Từ năm 2012, tỉnh đã xây dựng, ban hành Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh. Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành công, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý cho xây dựng Chính phủ điện tử. Nền hành chính công của tỉnh ngày càng được hiện đại hóa, thể hiện rõ nét qua việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc và phục vụ của cơ quan nhà nước, từ thủ công sang điện tử hóa, số hóa, không giấy tờ; từ trực tiếp sang trực tuyến, trên môi trường mạng.

TTHC trên địa bàn tỉnh từng bước được thực hiện hoàn toàn bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tạo sự công khai, minh bạch và hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp trực tuyến 100% TTHC, trong đó tỷ lệ dịch vụ công mức 4 đạt 70%. Tỉnh cũng cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hơn 1.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh. Trong quý I/2022, đã có gần 79.000/121.000 hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua hình thức trực tuyến. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn các hồ sơ đạt trên 99%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan vẫn còn những tồn tại trong công tác giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc thông tin hồ sơ TTHC được đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia còn bị lỗi, đồng bộ nhầm trạng thái… dẫn đến tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn của tỉnh được hiển thị trên Cổng dịch vụ công quốc gia có tỷ lệ thấp, chưa chính xác. Cùng với đó, một số vấn đề như chưa triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; chưa hoàn thành kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về CCHC, vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC cấp huyện, cấp xã đã nghe phổ biến các quy định mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, trực tiếp thực hành thao tác trên Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia các bước để số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; sử dụng dữ liệu theo thời gian thực từ các cơ sở dữ liệu dùng chung để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân, cho biết: Bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ và của tỉnh về chuyển đổi số, cùng với những quy định, kiến thức mới được tập huấn, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh sẽ triển khai hệ thống hồ sơ số, trong đó, trọng tâm là số hóa toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC trong tất cả các bước thực hiện, từ tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả cho tổ chức, công dân. Đồng thời, xây dựng kho dữ liệu hồ sơ dùng chung để cán bộ và công dân có thể truy cập lưu trữ, khai thác, sử dụng; thiết lập các công cụ thao tác trên kho dữ liệu số để tạo sự thuận tiện trong quá trình thực hiện hồ sơ TTHC. Cùng với đó, Trung tâm tập trung triển khai đa dạng hóa các dịch vụ số hỗ trợ quá trình giải quyết TTHC; sử dụng dịch vụ bưu chính công ích có thông tin dữ liệu chuyển phát hồ sơ theo thời gian thực; cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử tích hợp ngay trong bước tiếp nhận hồ sơ TTHC; thanh toán điện tử…

Cùng với việc cập nhật, phổ biến các quy định, kiến thức mới trong số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở dữ liệu theo thời gian thực… hiện các sở, ngành chức năng của tỉnh đang nhanh chóng cập nhật, đồng bộ 25 TTHC thiết yếu theo yêu cầu của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, trong 14 TTHC phải hoàn thành trong tháng 3/2022, tỉnh đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai 12 TTHC và đang nỗ lực hoàn thành việc rà soát, đánh giá, cập nhật, chỉnh sửa, tái cấu trúc thành phần chuẩn hóa và số hóa của các TTHC thiết yếu còn lại trong tháng 4 này.

Nguồn (Báo Quảng Ninh).