TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế: Tỉnh '6 dám, 5 thật' phát triển toàn diện

16/05/2023
Chia sẻ bải viết :



Nhưng nay, từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ mất vỏn vẹn 1 tiếng 30 phút với cung đường cao tốc hiện đại, sạch đẹp. Tốc độ phát triển đô thị thuộc vào hạng sôi động bậc nhất cùng mức tăng trưởng thuộc tốp đầu cả nước. Quảng Ninh lột xác trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc với 7 năm liên tiếp GRDP ở mức 2 con số.

Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, Quảng Ninh đã trải qua cả một quá trình cải cách không ngừng, thay đổi tư duy cũng như đột phá trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh này qua các thời kỳ đều thể hiện sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đem lại những thành quả vượt bậc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc với Quảng Ninh vào tháng 2/2023 từng nói: Những thành quả mà Quảng Ninh đạt được là minh chứng cho sự đổi thay diệu kỳ!

Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh xác định phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung vào mô hình tăng trưởng xanh, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn với thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, để đạt được những mục tiêu trên, điều quan trọng là phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và luôn sáng tạo, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu khó khăn, thử thách vì lợi ích nhân dân.

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quảng Ninh đã cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng khi tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Quảng Ninh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành hệ thống các công trình giao thông lớn, như tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.

Đặc biệt, chính sách chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm triển khai hiệu quả, đồng bộ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền.

Xuất phát từ tư duy thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, năm 2022 tỉnh Quảng Ninh về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, Quảng Ninh đang chuyển sang giai đoạn chuẩn nghèo đa chiều mới và giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người nông dân, cư dân nông thôn.

Chia sẻ về những bước đi, cách làm của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ: Trên cơ sở đường lối, chủ trương chung của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”. Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh.

Trong đó có cả những yếu tố “thiên tạo” như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố “nhân tạo”, như Di sản Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, Thương cảng Vân Đồn.

Ngoài ra còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây chính là những lợi thế so sánh riêng có mà tư duy lãnh đạo của các thế hệ ở Quảng Ninh đã nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để biến tiềm năng thành động năng, chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho phát triển.

Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng (trích nguồn: Tienphong.vn)