Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh đang có 8 khu công nghiệp (KCN) có nhà đầu tư thứ cấp thuê đi vào hoạt động. Thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm quản lý tài nguyên và môi trường trong các KCN trên địa bàn.
Việc quản lý đất đai trong các KCN được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Quảng Ninh đã tiếp nhận và giải quyết 6 hồ sơ miễn tiền thuê đất của các dự án: Dự án hạ tầng KCN Texhong Hải Hà tại KKT cửa khẩu Móng Cái, Dự án hạ tầng KCN Sông Khoai tại KKT ven biển Quảng Yên và Dự án Nhà máy nước Khe Mai tại KKT Vân Đồn với tổng số tiền thuê đất được miễn là 221,51 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 3/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất năm 2023, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh đã tiếp nhận và giải quyết 171 hồ sơ giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 của các đơn vị thuê đất trả tiền hàng năm trong các KKT với tổng số tiền được giảm là 14,07 tỷ đồng; đồng thời rà soát, ban hành thông báo nộp tiền thuê đất năm 2024 đối với 276 đơn vị thuê đất trả tiền hàng năm tại các KKT với tổng số tiền là 51,13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác của tỉnh để hỗ trợ UBND TX Quảng Yên triển khai thực hiện công tác GPMB; đôn đốc, hỗ trợ, giám sát công tác GPMB, tổ chức thi công tuyến đường Trục Đông - Tây trong KCN Sông Khoai để kết nối với 2 dự án tuyến đường của tỉnh đang đầu tư. Đến hết tháng 6/2024, tổng diện tích đất đã được UBND tỉnh giao, cho thuê đối với các KCN trên địa bàn tỉnh đạt 1.840,58ha. Diện tích đất đã cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại để thực hiện dự án đầu tư trong các KCN là 905,85ha, đưa tỷ lệ lấp đầy các KCN trung bình đạt 47,78%. Diện tích đất công nghiệp đã GPMB, hiện có tại các KCN để có thể sẵn sàng thu hút đầu tư khoảng 521ha.
Cùng với đó, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh thường xuyên chủ trì rà soát, làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng KCN để tháo gỡ những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vật liệu san lấp cho các dự án. Qua đó bước đầu đã rà soát sơ bộ đối với một số điểm mỏ khai thác tại địa bàn các KKT và khu vực lân cận để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo đưa vào khai thác với việc đảm bảo trước mắt tập trung để đáp ứng nhu cầu cho các KCN tại khu vực Quảng Yên và Hải Hà; về lâu dài đáp ứng cho các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh nói chung.
Bên cạnh công tác GPMB, cho các nhà đầu tư thuê đất trong các KCN, tỉnh cũng chú trọng đến vấn đề đảm bảo môi trường trong các KCN trên địa bàn, tiếp tục duy trì tỷ lệ 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Đồng thời tập trung rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN báo cáo về thực hiện thủ tục pháp lý lĩnh vực môi trường và kế hoạch đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của KCN, đảm bảo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật môi trường để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào KCN.
Đối với 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì 8 KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. 6 KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất đều đã đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, KCN Sông Khoai với 4 mô đun, tổng công suất xử lý nước thải là 16.000m3/ngày, đêm; KCN Đông Mai gồm 1 mô đun với công suất 1.100m3/ngày, đêm; KCN Việt Hưng có 2 mô đun với tổng công suất 6.000m3/ngày, đêm; KCN Cái Lân 1 mô đun, công suất 2.000m3/ngày, đêm; KCN Hải Yên 2 mô đun tổng công suất 5.500m3/ngày, đêm và KCN Texhong Hải Hà - giai đoạn 1 gồm 2 mô đun tổng công suất 30.000m3/ngày, đêm.
KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong đã thu hút được dự án đầu tư thứ cấp nhưng đang trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng, chưa hoạt động, nhưng cũng đã hoàn thành xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung để đồng bộ với tiến độ thực hiện của các nhà đầu tư thứ cấp.
100% các dự án hạ tầng KCN bố trí hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với thu gom, thoát nước thải. 100% các dự án thứ cấp trong KCN có hệ thống thu gom, thoát nước mưa đấu nối vào hệ thống thoát nước mưa của KCN. Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý theo quy định hiện hành.
Quảng Ninh quyết tâm thực hiện tốt chỉ tiêu về môi trường mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, trong đó có chỉ tiêu: Tỷ lệ KCN, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%.
(Theo baoquangninh.vn)