Tiêu biểu trong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt phải kể đến ngành BHXH tỉnh bằng việc đẩy mạnh hoạt động triển khai dịch vụ trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM. BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích phát triển ATM năm 2023 cho các phòng nghiệp vụ và BHXH tuyến huyện. Chủ động phối hợp Bưu điện tỉnh, các ngân hàng thương mại đến từng điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH để vận động, tư vấn và làm thủ tục mở thẻ ATM cho người dân. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 144.173 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN thì có tới 68.478 người nhận tiền qua thẻ ATM (đạt tỷ lệ 47,5%).
Không chỉ với ngành BHXH, hoạt động thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được các ngành, địa phương triển khai quyết liệt. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực tuyên truyền đến các đối tượng liên quan thuộc lĩnh vực quản lý thông qua website, mạng xã hội, tổ chức hội nghị tuyên truyền hoặc lồng ghép trong các chương trình triển khai nghiệp vụ riêng của đơn vị. Trung tâm Truyền thông tỉnh và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trên 1.000 lượt tin, bài, ảnh tuyên truyền về quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, cũng như các hoạt động triển khai không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp.
Các đơn vị đã trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, thanh toán dịch vụ bằng hình thức không dùng tiền mặt. Đến nay 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 100% trường học trên địa bàn đã kết nối với các ngân hàng thương mại triển khai thu học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; 7 đơn vị y tế triển khai áp dụng thành công giải pháp mã QR động trong thanh toán dịch vụ y tế; 100% thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí đã thực hiện được thanh toán điện tử khi giải quyết trực tiếp tại trung tâm hành chính công hoặc thanh toán trực tuyến khi tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nhân dân, nhiều ngân hàng đã thực hiện miễn phí trên toàn bộ ứng dụng ngân hàng số, như miễn phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền nội, ngoại mạng... Đồng thời, các ngân hàng còn đẩy mạnh hạ tầng thanh toán và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử. Hiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục được nâng cấp theo hướng tập trung, hiện đại, đóng vai trò là hệ thống thanh toán xương sống quốc gia, kết nối với các hệ thống khác trong nền kinh tế.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 417 máy ATM, 2.782 máy POS với 2.200 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học... Việc sử dụng mã QR đã được ứng dụng và triển khai rộng rãi, nhằm thúc đẩy, khuyến khích thanh toán qua thiết bị di động phù hợp với xu thế phát triển thế giới và hành vi người tiêu dùng.
Các tổ chức tín dụng còn phát triển hệ sinh thái số với những sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, như: Mở tài khoản, mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip)… Qua đó, góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3,2 triệu tài khoản cá nhân, trong đó trên 2,2 triệu tài khoản đang hoạt động, 418 nghìn tài khoản mở bằng hình thức trực tuyến (eKYC); có 60.813 tài khoản doanh nghiệp; bình quân khoảng 2 tài khoản đang hoạt động/1 người dân từ 15 tuổi trở lên.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp phát triển khách hàng sử dụng, điểm chấp nhận thanh toán Mobile - Money. Đến nay, trên địa bàn có hơn 794.000 tài khoản Mobile - Money.
Để tạo thuận lợi trong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. Tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 99,8% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh; hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn với tốc độ truy cập bằng tốc độ trung bình cả nước. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 92,8%. Các đơn vị viễn thông phối hợp cùng các địa phương triển khai rà soát và đang tiến hành các giải pháp xóa vùng lõm Internet trên địa bàn.
Cùng với phát triển hạ tầng, tỉnh và các ngành, đơn vị, doanh nghiệp cũng tập trung phát triển điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Tiêu biểu như ở Hạ Long tăng 3.828 điểm so với kế hoạch; Cô Tô tăng 140 điểm; Đông Triều tăng 1.192 điểm... Các ngành, địa phương còn chú trọng triển khai mô hình thí điểm chợ 4.0. Đến nay, tỷ lệ hộ kinh doanh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khá cao, tiêu biểu ở TP Hạ Long có 80% các hộ kinh doanh trong chợ, 98% các cửa hàng tiện dụng, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn; chợ trung tâm và chợ Cẩm Đông (Cẩm Phả) có 93,33% hộ; chợ Đầm Hà có 78% hộ; chợ trung tâm Tiên Yên đạt 100% hộ...
Việc linh hoạt các giải pháp đã giúp thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của rất nhiều người dân trên địa bàn Quảng Ninh; đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.