TRANG CHỦ CHUYỂN ĐỔI SỐ BAN QL KKT LỊCH CÔNG TÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN HỆ THỐNG CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ISO ĐIỆN TỬ

Thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội

12/03/2024
Chia sẻ bải viết :



Thời gian qua, Quảng Ninh cũng như cả nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt.

Ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Chỉ thị được ban hành nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Tại Thông báo số 06/TB-VPCP ngày 10/01/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận Hội nghị đánh giá 02 năm triển khai Đề án 06, Chính phủ tiếp tục yêu cầu thúc đẩy cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, đặc biệt là quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng...; dịch vụ cho người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế... Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu cấp “Tài khoản an sinh xã hội” gắn với số định danh cá nhân của mỗi người dân Việt Nam, cung cấp trên ứng dụng VNeID.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội; đảm bảo công tác chi trả từ tài khoản thuận tiện, dễ dàng, an toàn, minh bạch và bao phủ đến cấp xã...

Tính đến nay, số đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã có tài khoản là 30.388/61.461 người (tỷ lệ 49,44%). Số đối tượng được chi trả qua tài khoản 20.773 người. Tổng kinh phí đã thực hiện qua tài khoản hơn 114,9 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chỉnh sách an sinh xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với nguồn vốn chính thống trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp dữ liệu của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi. Đồng thời định kỳ hàng tháng phối hợp Công an tỉnh rà soát, xác thực, đối khớp danh sách đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thực tế trên địa bàn tỉnh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; đảm bảo 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bản tỉnh được rà soát, cập nhật, bổ sung đầy đủ các trường thông tin còn thiếu, phục vụ công tác chuyển đổi số trong việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và Công an tỉnh cùng các đơn vị liên quan thúc đẩy việc chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản Ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đảm bảo 80% đối tượng hưởng chính sách (bao gồm người được ủy quyền nhận thay qua tài khoản) có tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trong Quý III/2024 và phấn đấu 100% đối tượng hưởng chính sách có tài khoản trong Quý IV/2024.

Tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chinh nhánh Quảng Ninh chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản Ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn chính thống, cho vay tín chấp không tài sản bảo đảm, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm tệ nạn “tín dụng đen”.

(Trích theo baoquangninh.vn) VPDDMT